Các bài học giúp trẻ tự kỷ chậm nói kích hoạt khả năng ngôn ngữ vốn có đang bị “ẩn nấp” đâu đó một cách dễ dàng hơn, bố mẹ tham khảo để hướng dẫn con nhé!
Chậm nói là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ tự kỷ, tuy chưa thể vội vàng kết luận, nhưng cũng khiến bố mẹ lo lắng vô cùng về kỹ năng phát triển ngôn ngữ của con bị chậm, kém hơn những đứa trẻ khác. Giờ đây bố mẹ có quyền tự tin hỗ trợ con bằng các bài học thú vị dưới dây.
I. Khi nào bắt đầu cần dạy trẻ tự kỷ chậm nói?
Làm thế nào để đưa ra quyết định về thời điểm cần dạy con tự kỷ tập nói? Nhiều bố mẹ mới thấy con chớm chậm nói đã vội vàng hoang mang, tuy nhiên đó rất có thể chỉ là một biểu hiện bình thường, hãy cố quan sát và theo dõi con kỹ hơn để có kết luận chính xác nhất nhé.
Trẻ tự kỷ chậm nói
Khi trẻ có những biểu hiện này, cũng là lúc bố mẹ có con tự kỷ nên lên kế hoạch kích hoạt lại tư duy và khả năng ngôn ngữ trong con:
1. Trẻ đã 2 tuổi nhưng chưa nói được các từ đơn, trẻ muốn nói nhưng không biết diễn đạt bằng cách nào
2. Từ 7-8 tháng trẻ không bập bẹ, ê a để thu hút sự chú ý của người lớn
3. Con thờ ơ với những người thân xung quanh, các món đồ chơi hấp dẫn, không thể hiện bất kỳ cảm xúc bận tâm nào
4. Từ 2 tuổi trở đi, con vẫn chưa thể hoàn thiện khả năng nói các câu ngắn có 2 3 từ, thậm chí con phát âm bị khuyết nhiều.
5. Trẻ có thể đột ngột bị mất đi kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội ở bất kỳ giai đoạn nào
6. Trẻ rất hào hứng với chủ đề nào đó mà mình đang quan tâm, thực sự muốn tham gia bàn luận về chủ đề đó, nhưng lại không biết diễn tả làm sao cho chuẩn, sự sắp xếp câu từ lộn xộn, không có vốn từ để hình thành ngôn ngữ.
Nếu sau thời gian theo dõi, gặp những biểu hiện bất thường trên, chứng tỏ khả năng cao con đang gặp chứng trẻ tự kỷ bị chậm nói, lúc này cần làm gì, thì phần chia sẻ ngay dưới đây sẽ “cứu cánh” bố mẹ.
II. 3 bài học cơ bản dạy trẻ tự kỷ khi con chậm nói hiệu quả
Có nhiều phương pháp giúp bố mẹ dạy trẻ tự kỷ chậm nói tại nhà vô cùng đơn giản và hiệu quả như:
1. Nói chuyện với con nhiều hơn
Cùng con “buôn dưa lê – bán dưa chuột” mỗi ngày, một phương pháp tưởng chừng khá khó khăn, bởi hầu hết các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng mình với trẻ nhỏ chẳng có câu chuyện chung gì để chia sẻ, nhất là khi con chưa nói được. Không! Giữa bố mẹ và con nhỏ luôn có những chủ đề chung để cùng nhau chia sẻ ở bất kỳ độ tuổi nào, khai thác đúng “mạch câu chuyện”, có nói xuyên ngày xuyên đêm cũng không hết.
Bố mẹ đi làm về có thể kể lể cho con những câu chuyện hàng ngày diễn ra ở nơi làm việc, hay chúng ta gặp ngoài đường, ta cũng có thể hỏi con về một ngày ở nhà của con. Ví như: “ Hôm nay ở nhà Thỏ ăn gì, con ở nhà với bà có vui không, con có nhớ mẹ không, hôm nay Thỏ chơi những trò chơi gì thế, kể cho mẹ nghe, con ăn cơm với rau, cá,… à?”.
Sau màn kể lể của bố mẹ, đến việc thể hiện quan tâm đến hoạt động của con bằng một loạt những câu hỏi sẽ khiến con dần có phản xạ bận tâm hơn về điều đó. Tuy thời gian đầu, bố mẹ sẽ gần như rơi vào trạng thái “ độc thoại”, nhưng khi đã thành thói quen, bạn nghe được tiếng “ ê …a” đáp lại câu chuyện thì đó là một tín hiệu mừng đó.
2. Dạy Trẻ tự kỷ chậm nói các từ vựng theo chủ đề
Bên cạnh sự ít nói, thì trẻ chậm nói mắc hội chứng tự kỷ cũng khó khăn trong việc diễn đạt những thứ mình muốn bằng ngôn ngữ, bởi khả năng từ vựng của các con bị hạn chế.
Bố mẹ bắt đầu bằng việc mua những cuốn sách, truyện dạy từ vựng theo các chủ đề riêng biệt và dạy con lần lượt nhé.
Học từ vựng theo chủ đề sẽ hỗ trợ bé phát triển khả năng ngôn ngữ
Đừng quên tìm kiếm các chủ đề gần gũi với con như: nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ, đồ chơi, gia đình,… Khích lệ con bằng cách biến việc học thành trò chơi, có thể dạy bé đọc lại từng từ đơn mà bố mẹ vừa nói, mỗi lần đọc đúng con sẽ được tặng huy hiệu, sticker hay bất kỳ món đồ nào con thích.
Lưu ý cuối cùng khi thực hiện phương pháp này, bố mẹ tuyệt đối không bắt chước lại ngôn ngữ của con, điều đó sẽ làm con hiểu nhầm về ngôn ngữ của mình, và sẽ ngày càng lún sâu vào những lỗi sai, khó phát triển nói.
3. Hát cho con nghe
Trẻ tự kỷ thường cảm nhận âm nhạc khá tốt, âm nhạc cũng là thứ truyền cảm xúc một cách linh hoạt và dễ chịu nhất, trẻ tự kỷ chậm nói có thể bị thu hút bởi thứ này, nhất là khi thứ âm thanh kỳ diệu này được truyền đạt bằng giọng quen thuộc của yêu thương – là chính bố mẹ của con.
Bởi vậy, cho dù bố mẹ có giọng hát tuyệt đỉnh hay không, thì việc hát cho con nghe thường xuyên cũng kích thích con muốn bật từ, và thể hiện cùng.
Bố mẹ có thể cùng con biểu diễn, con chưa nói được tốt, thì bố mẹ hát và con múa theo,hãy để con hóa thân vào một nhân vật mà con yêu thích, rồi nhảy múa theo những ca từ của bố mẹ.
Không hề khó khăn để thực hiện các phương pháp dạy trẻ tự kỷ chậm nói đúng không nào? Chỉ bằng sự đồng lòng và kiên trì là bố mẹ sẽ là trở thủ vô cùng đắc lực trên hành trình yêu thương của con cái.